Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Cùng gặp lại những nhân vật trong phim đất rừng Phương Nam

Cùng gặp lại dàn diễn viên làm nên thành công của bộ phim truyền hình “Đất phương Nam”.

“Đất phương Nam” là bộ phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Bộ phim do NSƯT Nguyễn Vinh Sơn làm đạo diễn kiêm viết kịch bản. 

Ra mắt năm 1997, đến nay “Đất phương Nam” vẫn được trình chiếu trên các kênh truyền hình địa phương và nhận được vô vàn sự yêu mến của khán giả. Đây cũng là bộ phim truyền hình đầu tiên được xuất khẩu sang Mỹ, góp phần giới thiệu điện ảnh và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.




Nội dung phim “Đất phương Nam” kể về cuộc sống của những người dân quê bình dị trong thời kì thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Nam Bộ. Nhân vật chính trong phim là cậu bé An. Hoàn cảnh loạn lạc khiến An mất mẹ và trôi dạt tha phương trên bước đường đi tìm cha. 

Lưu lạc về phương Nam, An gặp những cảnh đời ngang trái, lầm than của người nông dân dưới ách áp bức của phong kiến và thực dân. Tuy ba chìm bảy nổi giữa dòng đời, An vẫn luôn sống trong lòng nhân ái, đùm bọc của đồng bào. Đó là nguồn động lực đưa cậu vượt qua những khó khăn gian khó.

Bộ phim ghi dấu ấn với khán giả bởi một cốt truyện nhân văn, cảm động, cách thể hiện chân thực và diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên thuộc nhiều thế hệ. 17 năm đã trôi qua, hãy cùng tìm hiểu về những diễn viên góp phần tạo nên thành công cho bộ phim này.

Hùng Thuận vai An:

Vai bé An do Hùng Thuận đảm nhiệm chính là linh hồn của bộ phim. Với lối diễn xuất tự nhiên, đôi mắt biết nói cùng gương mặt ngây thơ, Hùng Thuận đã cuốn bao thế hệ khán giả vào hành trình đi tìm cha đầy cảm động của cậu bé An. Vai diễn để đời này đã mang về cho Hùng Thuận giải Mai Vàng dành cho diễn viên được yêu thích nhất cùng với nhiều giải thưởng khác.


Hùng Thuận với vai diễn để đời.

Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, Hùng Thuận chuyển hướng sang làm ca sĩ. Anh là thành viên của nhóm nhạc MBK với 2 thành viên khác. Sau một thời gian hoạt động không mấy thành công, nhóm MBK tan rã, còn Hùng Thuận bước vào sự nghiệp solo của mình. Tuy nhiên, nghiệp cầm ca của anh chàng cũng không mấy khởi sắc.


Hùng Thuận thời còn trong nhóm nhạc.

Thời gian gần đây, Hùng Thuận trở lại với nghệ thuật thứ 7 qua một số bộ phim truyền hình như: “Hoa ngũ sắc”, “Nàng dâu bất đắc dĩ”, “Dòng đời”, “Cổng mặt trời”… Tuy nhiên, cái bóng của “bé An” quá lớn khiến cơ hội tỏa sáng lần nữa trên màn ảnh của anh trở nên khó khăn.

Năm 2008, Hùng Thuận kết hôn với một cô gái kém anh 3 tuổi. Bà xã của Hùng Thuận cũng chính là một fan trung thành của bé An trong “Đất phương Nam”.


Con trai Hùng Thuận như một bản sao của “bé An”.

Lê Quang vai Võ Tòng:

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn được xem là người “đỡ đầu” cho nghiệp diễn của Lê Quang, bởi chỉ sau vài vai nhỏ trong các bộ phim “Mảnh đất tình đời”, “Đảo hải tặc”, “Người đẹp Tây Đô”…anh chính thức được giao vai Võ Tòng, một vai diễn mà anh phải vượt qua nhiều gương mặt kỳ cựu trước đó. 

Với nét mộc mạc, chân chất nhưng rất lầm lì đặc thù của gã miền Tây sinh sống ở vùng biển đã được Lê Quang “bê” nguyên lên phim.


Hình ảnh Võ Tòng hùng tráng trên phim.

Cứ tưởng sau vai diễn thành công này, nghiệp diễn của anh sẽ lên như diều gặp gió. Nhưng trớ trêu ở chỗ, vai Võ Tòng càng nổi bật bao nhiêu, thì các vai diễn sau này của anh gần như bị lu mờ. Các vai diễn trong: “Viên ngọc Côn Sơn”, “Trùng Quang tâm sử”, “Chúa tàu Kim Quy”, “Người Bình Xuyên”, “Dòng sông vẫn trôi” vẫn không thể đọ với nhân vật Võ Tòng đầy sức sống. 

Nghiệp diễn của Lê Quang có nhiều thăng trầm, "lúc lên voi, khi xuống chó". Có khi anh chuyển sang làm đạo diễn MV ca nhạc, làm nhiếp ảnh gia, rồi lại trở về với điện ảnh. Giờ đây, ngoài đóng phim, anh còn lấn sân sang lĩnh vực ca hát. Lê Quang thường hát các bài hát mang tính tự sự về cuộc đời.


“Võ Tòng” của 17 năm sau.

Phùng Ngọc vai Cò:

Hóa thân thành công vào vai cậu bé Cò trong “Đất phương Nam”, Phùng Ngọc cùng Hùng Thuận khi ấy là những diễn viên nhí sáng giá nhất của làng phim Việt. Nhưng tiếc là Ngọc chỉ tham gia một phim nữa rồi mất tích hẳn trên bản đồ phim ảnh. Hiện nay Phùng Ngọc có một cuộc sống bình thường, không vướng bận gì đến nghiệp đóng phim nữa.


Vai Cò của Phùng Ngọc nhận được nhiều sự yêu mến của người xem.

Trong một bài phỏng vấn, mẹ nuôi của Phùng Ngọc cho biết phần nào lý do Phùng Ngọc không tham gia showbiz. Bà cho biết: “Ngọc là đứa sống khép kín, bản thân tôi cũng không mấy khi gặp được cháu. Nó là đứa có tài nhưng lại thiếu cái chí. Sau thời gian đóng “Đất phương Nam, Ngọc có tham gia phim "Ông nội và cháu đích tôn", diễn xuất vẫn rất ổn, có điều lúc này mặt nó nhiều mụn quá nên không thể quay cận cảnh được. Vậy là nó nghỉ, đi hớt tóc, chạy xe ôm, làm bảo vệ ở siêu thị, rồi giờ lại muốn đi học lái xe tải... Tuy Ngọc không nói ra nhưng tôi hiểu nó là người muốn mình luôn luôn là số 1, kể cả việc đóng phim và nhận vai diễn. Không phải ai cũng có thể cho Ngọc một vai diễn như Cò trong “Đất phương Nam”, có lẽ vì vậy Ngọc đã chọn một lối rẽ khác”.


Hình ảnh hiếm hoi của Phùng Ngọc


Cố NSƯT Hồ Kiểng vai “ông Ba ngủ”:

Người hâm mộ phim “Đất phương Nam” hẳn không ai quên được hình ảnh ông Ba ngủ đã từng cưu mang cậu bé An. Ông Ba được NSƯT Hồ Kiểng hóa thân trọn vẹn với hình ảnh một ông già Nam Bộ ham nhậu, ưa vọng cổ, rất tốt bụng và hiền lành.

Ông là người xin cho An vào phụ quán ăn của bà Tư và còn dạy cậu bé bẫy chim, bắt rắn. Những giọng hò của ông Ba ngủ trên sông nước miền Tây nghe vừa ngọt ngào vừa khiến người ta cảm động rớt nước mắt. Tuy chỉ là 1 vai phụ, song hình ảnh ông Ba mà nghệ sĩ Hồ Kiểng thể hiện đã gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.


Nghệ sĩ Hồ Kiểng được mệnh danh là “ông già Nam Bộ”.

Tuy là một diễn viên gạo cội, song cuộc sống của nghệ sĩ Hồ Kiểng gặp rất nhiều khó khăn, lận đận. Hồ Kiểng 4 lần lấy vợ, có 4 mặt con nhưng cuối đời, ông vẫn sống đơn lẻ một mình trong căn phòng chưa đầy 15 mét vuông, đồ đạc đắt giá nhất trong nhà là chiếc quạt máy. 

Ngày 3/4/2013, "Ông già Nam Bộ" đã trút hơi thở cuối cùng, từ giã cuộc đời lắm truân chuyên. Hơn 60 năm trong nghề, giờ đây ông đã được vinh danh nghệ sĩ ưu tú. Hơn 200 bộ phim, gần 50 vở kịch nói, hơn 300 vở kịch truyền hình, 12 vở cải lương… là những tác phẩm ông để lại cho đời.


Người nghệ sĩ với nhiều lận đận trong cuộc sống.

Cát Phượng vai vợ Tư Mắm 

Những năm 1997-1998, Cát Phượng vẫn là một diễn viên hài chưa có nhiều tên tuổi. Tham gia “Đất phương Nam” với một vai phản diện là vợ tên Việt gian Tư Mắm, Cát Phượng gây ấn tượng với khán giả bởi cách diễn rất đặc sắc và độc đáo của mình. 


Cát Phượng với vai phản diện trong “Đất phương Nam”.


Sau “Đất phương Nam”, Cát Phượng chuyển sang thể loại hài là chính và xuất hiện phần lớn trên các sân khấu kịch. Cô được khán giả mến mộ bởi lối diễn hài duyên dáng và rất tự nhiên. 

Trải qua một số mối tình, năm 2004, Cát Phượng kết hôn cùng diễn viên Thái Hòa. Cả hai có với nhau một bé trai kháu khỉnh tên Bom. Nhưng cuộc hôn nhân này lại có một kết thúc buồn là ly dị. Hiện tại Cát Phượng đã tìm được tình yêu mới nhưng chưa vội làm đám cưới vì muốn con trai lớn thêm.


Cát Phượng và con trai.

Thúy Loan-vai Út Trọng

Đảm nhận vai cô Út Trọng trong phim là diễn viên Thúy Loan. Nhân vật của Thúy Loan là cô gái miền Tây mang vẻ đẹp dung dị, đằm thắm nhưng rất kiên cường khi đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù. Sự hi sinh của nhân vật chị Út đã gây bao tiếc nuối cho khán giả yêu mến nhân vật này nói riêng và cả bộ phim nói chung.


Vai cô Út xinh đẹp, dịu dàng do Thúy Loan thể hiện.

Có lợi thế về cả ngoại hình lẫn diễn xuất, tưởng chừng sau vai diễn nổi tiếng này, Thúy Loan sẽ còn tiến sâu hơn trong sự nghiệp phim ảnh. Nhưng tiếc là sau đó, cô chỉ tham gia thêm bộ phim “Chim phóng sinh” rồi không theo đuổi nghệ thuật nữa.

Thúy Loan đã kết hôn và sinh con. Được biết chồng cô là một kiến trúc sư và chính cố nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn là người đã mai mối cho cuộc hôn nhân của Thúy Loan và chồng.



Hình ảnh khi Thúy Loan mới lập gia đình và có con.

Mai Thanh Dung vai Bà Tư Ú:

Nếu ai đã từng đọc qua tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi thì chắc chắn sẽ ấn tượng với nhân vật bà Tư Ú mập mạp, dễ gần và rất yêu quê hương đất nước. Từ truyện, bà Tư Ú bước lên màn ảnh với tạo hình gần như là dành riêng cho diễn viên Mai Thanh Dung. Chưa cần diễn, chỉ cần thấy Mai Thanh Dung xuất hiện là khán giả đã biết ngay đó là bà Tư Ú. 


Hình ảnh bà Tư mập mập, dễ mến.

Nghệ sĩ Mai Thanh Dung đam mê kịch nghệ từ nhỏ. Dù bị gia đình ngăn cản nhưng bà vẫn kiên trì đi với nghề diễn đến cùng. Sự nỗ lực, lòng yêu nghề và tài năng đưa bà trở thành một trong những diễn viên kịch nói có tiếng tại sân khấu kịch phía Nam.

Từ năm 1980, nghệ sĩ Thanh Dung bắt đầu giảng dạy bộ môn luyện giọng, phát âm tại ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Khi đã nghỉ dạy tại trường đại học, bà tiếp tục đào tạo cho các em thiếu nhi ở cung văn hóa. Những học trò thành danh của bà phải kể đến NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu, diễn viên Thanh Thủy…


Nghệ sĩ Thanh Dung chụp ảnh cùng Lý Hùng và Bình Minh.

Mạnh Dung -vai ông Ba bắt rắn

Đưa hai cậu bé An và Cò rong ruổi trên con đường đi tìm cha chính là ông Ba bắt rắn do diễn viên Mạnh Dung đóng. Ông là một hình tượng đẹp của người dân Nam Bộ chăm chỉ và giàu tình người. 


Ông Ba bắt rắn là một hình tượng đẹp trong phim.

Diễn viên Mạnh Dung được khán giả yêu phim Việt nhớ đến với hình ảnh mái tóc hoa râm buộc chỏm phía sau, bộ râu bạc phơ, đôi lông mày phúc hậu. Qua mấy chục năm trong nghề, ông đã trở thành giảng viên trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM. Song song với nghề dạy, ông còn làm đạo diễn sân khấu cải lương và tham gia một số vai phụ trong các phim truyền hình.

Giờ đây, nghệ sĩ Mạnh Dung đã nghỉ hưu và sống hạnh phúc bên cạnh người bạn đời là NSƯT Thanh Dậu.


Nghệ sĩ Mạnh Dung và bà xã.

NSƯT Thanh Điền- vai thầy giáo Bảy

Vào vai thầy giáo Bảy là NSƯT Thanh Điền. Thanh Điền vốn xuất thân là một nghệ sĩ cải lương. Ông đến với sân khấu từ năm 12 tuổi. Trong thập niên 1980, ông trở thành một trong những thành viên nòng cốt của đoàn Cải lương Sài Gòn 1. Sau đó, ông chuyển sang làm đạo diễn sân khấu. 


NSƯT Thanh Điền vào vai thầy giáo của An.

Có duyên muộn với nghệ thuật thứ 7, thế nhưng trong những năm gần đây NSƯT Thanh Điền đã tham gia rất nhiều phim truyền hình như: “Cái bóng bên chồng”, “Một ngày không có em”, “Ra riêng ai cưới em”, “Ngõ vắng”, “Vua sân cỏ”…được khán giả yêu cải lương nói riêng và khán giả yêu điện ảnh nói chung đón nhận nồng nhiệt.

NSƯT Thanh Điền kết hôn từ năm 1975 với NSƯT Thanh Kim Huệ, cũng là một nghệ sĩ cải lương. Đến nay, vợ chồng ông bà vẫn bên nhau không rời. Đây có thể xem là cặp đôi vợ chồng nghệ sĩ hiếm hoi có cuộc sống hôn nhân chung thủy, lâu bền.


NSƯT Thanh Điền và vợ là NSƯT Thanh Kim Huệ.

Ánh Hoa vai bà Tám:

Nhân vật bà Tám trong phim do diễn viên Ánh Hoa thủ vai. Ánh Hoa sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ông bà ngoại là nghệ sĩ hát bội, cha mẹ bà là nghệ sĩ cải lương. Cả thời tuổi trẻ bà đã lang bạt theo gánh hát cải lương, lênh đênh trên chiếc ghe trôi nổi khắp miền sông nước.


Diễn viên Ánh Hoa trong vai bà Tám.


Xuất thân là nghệ sĩ cải lương, nhưng khán giả biết đến bà nhiều hơn qua các bộ phim điện ảnh và truyền hình như: “Mùi đu đủ xanh”, “Sài Gòn nhật thực”, “Người đẹp Tây Đô”, “Đồng tiền xương máu”, “Đất phương Nam”, “Xóm nước đen”, “Hải Nguyệt”, “Giao thời”, “Giã từ dĩ vãng”, “Người Bình Xuyên”, “Mùa len trâu”...

Trong sự nghiệp diễn xuất, nghệ sĩ Ánh Hoa hầu hết vào vai những bà mẹ Việt Nam hy sinh, nhẫn nhục, nhưng cũng đầy sức mạnh cho đàn con nương tựa. Gương mặt bà phúc hậu, dịu dàng nhưng cũng rắn rỏi, nghị lực. Trong “Đất phương Nam”, bà Tám là má của Út Trọng, khi nghe tin mấy đứa con mình đều bị Tây bắn chết, bà đã băng đồng chạy trên bờ kênh, nhưng rồi đau đớn quỵ xuống, làm khán giả vô cùng xúc động. 


Diễn viên Ánh Hoa luôn mang tới cho khán giả nhiều vai diễn xúc động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét