“Ấu trùng giun Angiostrongylus Cantonensis gây ra bệnh viêm màng não nước trong ở người không chỉ sống ký sinh ở những loại ốc trên cạn như ốc sên... mà còn sống ký sinh trên nhiều loại rau xanh khác”.
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, chuyên gia về ký sinh trùng và côn trùng, hiện là Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết như vậy về sự nguy hại của loại giun trên.
Theo bác sĩ Siêu, loại giun Angiostrongylus Cantonensis sống ký sinh ở động mạch phổi của chuột, và lên miệng để sinh sản ấu trùng. Sau đó, chuột sẽ ăn ấu trùng này và khi đi phân, ấu trùng sẽ theo phân ra ngoài bám vào rau và bám vào những con ốc trên cạn đi qua những luống rau để ăn rau non.
Như vậy người ăn rau sống cũng có khả năng mắc bệnh viêm màng não, thưa bác sĩ ?
Loại giun Angiostrongylus Cantonensis thường bám trên lá rau là do chuột mắc phải loại giun này thường sống ở khu vực ống cống và trên những luống rau. Chính vì những con chuột nhiễm giun Angiostrongylus Cantonensis thường đi qua lại ở những luống rau, nên những lá rau xanh bị nhiễm loại giun này.
Do đó, người sử dụng rau xanh, nhất là rau sống nếu không rửa thật kỹ, ăn phải ấu trùng của loại giun này thì nguy cơ mắc bệnh viêm màng não là rất cao.
Không biết hiện nay, ở TP.HCM, khu vực nào có nguy cơ nhiễm loại giun này?
Về mặt phân bố địa lý thì giun Angiostrongylus Cantonensis có mặt khắp mọi nơi, ở đâu có chuột (chủ yếu là chuột cống) thì nguy cơ ở khu vực đó bị nhiễm loại giun này.
Ngoài sử dụng các loại ốc trên cạn có nguy cơ mắc viêm màng não thì...
Theo khảo sát của chúng tôi, tất cả những khu vực ngoại thành của TP.HCM có trồng rau đều bị nhiễm loại giun này.
Ở những khu vực này, trong các nhà vườn, chuột chạy rất nhiều và thải phân ở các luống rau xanh khiến cho rau xanh và ốc trên cạn đến ăn rau xanh bị nhiễm loại giun này.
Nhiều người thắc mắc, ốc bươu thường sống dưới nước làm sao có thể nhiễm loại giun này, nhưng thực tế giun Angiostrongylus Cantonensis vẫn sống tốt ở dưới nước, nhất là nước cạn. Trong khi đó, ốc bươu vừa sống ở môi trường nước vừa sống ở môi trường cạn.
Tuy nhiên, về mặt dịch tễ thì chưa có vùng dịch tễ, nhưng qua báo cáo các ca nhiễm loại giun này cho thấy, phần lớn tập trung ở khu vực ngoại thành TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Như vậy có thể thấy, những vùng đất ẩm, làm vườn nhiều, chuột nhiều sẽ xuất hiện loại giun này nhiều.
Thực tế ở TP.HCM có trường hợp nào ăn rau hay ốc sên, ốc bươu, ốc ma… bị mắc viêm não hay viêm màng não chưa, thưa bác sĩ?
Những trường hợp ăn rau thì chưa gặp, vì thực tế loại giun này tồn tại trên lá rau khó hơn so với cơ thể của ốc. Bởi sống trên rau, nếu gặp thời tiết nắng nóng thì ấu trùng này sẽ không sống được lâu; còn ở ốc thì những ấu trùng này thường ký sinh bên trong thân ốc nên tồn tại rất lâu.
Thời gian gần đây, ở TP cũng có một số trường hợp ăn ốc trên cạn bị mắc bệnh viêm màng não do nhiễm loại giun này. Mới đây, là trường hợp một sinh viên ở trọ và người chủ nhà trọ được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM phát hiện viêm màng não do loại giun này gây ra.
Trước đó, trong lúc trời mưa, 2 người này phát hiện một con ốc bươu bò vào nhà, và 2 người đã cá với nhau, ai ăn được ốc bươu sống.
Sau đó cả 2 cùng ăn, mỗi người ăn 1 con. Và đến 3 ngày sau, cả 2 trường hợp trên có biểu hiện nhức đầu dữ dội và hôn mê. Cả 2 được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán bị viêm màng não.
Ngoài loại giun Angiostrongylus Cantonensis, còn có loại giun nào khác sống ký sinh ở rau, ốc khiến người ăn mắc bệnh không thưa bác sĩ?
Hiện nay ấu trùng sán mén cũng đang sống trong cơ thể ốc. Đối với sán mén không chỉ lây qua vật trung gian là ốc mà còn có thể lây trực tiếp, nếu người dân nhúng chân, tay xuống nước có sán mén thì chúng có thể chui qua da của con người để ký sinh và phát bệnh.
Người bị nhiễm sán mén có nguy cơ bị tiểu máu, nếu sán mén bám vào bàng quang; đồng thời sán mén cũng tấn công vào gan gây sơ gan. Do đó, hiện nay người nhiễm sán mén có tỷ lệ mắc sơ gan rất cao.
Tuy nhiên, rất may hiện nay sán mén chưa lưu hành ở Việt Nam, chủ yếu xuất hiện ở các quốc gia lân cận như: Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc… nằm dọc theo lưu vực sông Mekong.
... sử dụng rau sống cần rửa kỹ để tránh nguy cơ mắc bệnh việm màng não.
Vậy thưa bác sĩ, để sử dụng rau và những loại ốc trên không bị “dính” phải loại giun Angiostrongylus Cantonensis, người sử dụng phải làm gì?
Khi ăn những loại ốc trên, điều quan trọng nhất là phải nấu chín. Điều kiện vệ sinh, nhiệt độ phải bảo đảm, nồi ốc phải được nấu sôi, thời gian sôi khoảng 5 đến 10 phút.
Đa số những người bị nhiễm giun này đều là do ăn ốc sống và ốc tái. Với dân nhậu rất thích ăn ốc tái, vừa nhúng vào lấy ra ăn liền, ốc sẽ ngon và ngọt; còn nếu nấu chín như trên thì ăn mất ngon, vì không còn chất. Đây là một thực tế, nhưng muốn bảo vệ sức khỏe của mình người sử dụng phải biết chấp nhận.
Riêng đối với rau sống, người sử dụng phải rửa thật kỹ, nhưng tốt nhất là nên ăn rau chín để đảm bảo an toàn.
Cám ơn bác sĩ
Hồ Quang (thực hiện)
Đã có trường hợp tử vong do ốc
Thông tin Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ngày 31.7 cho biết, gần đây, một số cơ sở y tế đã tiếp nhận, điều trị nhiều ca bệnh nặng nghi do nhiễm giun Angiostrongylus cantonensis (A.cantonensis).
Các trường hợp này đều có diễn biến nguy kịch, có trường hợp đã tử vong do sử dụng ốc sên chứa ấu trùng của loại giun nêu trên.
Người dân sử dụng ốc sên không được nấu chín để làm mồi nhậu, chữa bệnh, làm đẹp da... Việc sử dụng ốc sên sống để chữa bệnh chưa được khoa học nghiên cứu và chứng minh.
Người sử dụng ốc sên sống, không được nấu chín có nguy cơ cao bị mắc bệnh viêm não, viêm màng não do bị nhiễm giun A.cantonensis.
Để chủ động phòng chống bệnh viêm não, viêm màng não do bị nhiễm giun A.cantonensis, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín; tuyệt đối không ăn sống, ăn tái ốc sên với bất kỳ lý do gì.
Không nên ăn các thức ăn chế biến từ ốc, tôm, cua, cá sống hoặc chưa được nấu chín kỹ... dưới mọi hình thức; tránh ăn thức ăn sống đã bị ốc hoặc sên làm nhiễm bẩn, rửa sạch rau để loại bỏ các loài nhuyễn thể nhiễm ấu trùng gây bệnh.