Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Con bắt đầu sốt từ chiều thứ ba

Nhật ký một bà mẹ viết giữa 'tâm sởi'
Những dòng tường thuật về điều gì đang diễn ra trong 'tâm sởi' – nơi cả xã hội đang hướng tới của chị Nguyệt Ca gây xúc động.
Có con đang phải nhập viện vì dịch sởi, chị Bạch Thùy Linh, (nghệ danh là Nguyệt Ca), Hà Nội đã tận mắt được chứng kiến những gì đau xót nhất, khó khăn nhất, thiếu thốn nhất của các bệnh nhi bị sởi, của đội ngũ y bác sỹ và của người nhà bệnh nhân trong những ngày qua tại một trong những “tâm dịch” của thủ đô – Bệnh viện Nhiệt đới TƯ.
Những dòng nhật ký 3 ngày đầu chăm con cùng những tường thuật về những gì đang diễn ra trong tâm sởi – nơi cả xã hội và cộng đồng đang hướng tới của bà mẹ 29 tuổi khiến nhiều người vô cùng xúc động.

Chị Nguyệt Ca và bé Ong hiện đang chiến đấu từng ngày trong tâm dịch sởi.
Ong thân yêu,
Mẹ vừa tạt về nhà sau hơn 2 ngày "quần thảo" cùng con trong bệnh viện, tranh thủ lúc bố đang trông con, mẹ về nghỉ ngơi và ghi nhanh lại vài dòng để sau này con đọc lại, biết được gã sởi đáng ghét đã ghé thăm nhà mình và làm con khó chịu như nào nhé.
Đầu tiên phải nói đến chuyện tại sao con chưa được tiêm phòng sởi dù đã gần 29 tháng tuổi. Không phải vì mẹ con chủ quan, hay sợ hãi khi có nhiều ca tử vong do tiêm chủng gần đây như một số bà mẹ khác. Chỉ vì ngoài 1 tuổi con "khỏe" quá, liên tục uống thuốc, nằm viện vì các bệnh tai mũi họng, hiếm có lúc nào khỏe khỏe để mẹ đưa đi tiêm cả. Ngay khi báo chí đưa tin dịch sởi, mẹ đã không cho Ong ra chỗ đông người, trừ đi học rồi, vì biết con đang yếu sau một loạt bệnh dị ứng thời tiết của tháng đầu xuân vừa rồi.
Vậy nhưng mẹ tính vẫn không bằng…trời tính
15.4
Con bắt đầu sốt từ chiều thứ ba, 15/4 sau khi đi học về, với cái trán hâm hấp và tai trái chảy dịch. Mẹ đã hẹn bác sĩ riêng đến khám cho con và được biết con vẫn bị viêm tai giữa như mọi khi. Tuy nhiên vì vẫn lo con đang sốt đề kháng sẽ kém nên mẹ vẫn khuân về một cân hạt mùi già để tắm cho con và cả nhà, dù đọc thấy đủ ý kiến trái chiều, nhưng vẫn cố gắng tin hạt mùi có tính sát khuẩn, không bổ chỗ A thì bổ chỗ B, cốt cứ để an tâm cái đã.
16,17.4
Con vẫn tiếp tục sốt cao 39, 40 độ trong suốt thứ tư, thứ năm. Tới tối thứ 5 trên mũi con bắt đầu xuất hiện các nốt đỏ li ti, lấm tấm, lan xuống cằm. Mẹ đã hốt hoảng nghĩ đến sởi. Nhưng xem đi xem lại thấy các nốt chỉ xuất hiện từ mũi, cằm, mà tai không có. Mẹ cố gắng lạc quan nghĩ rằng con chỉ bị sốt phát ban thôi. Tới sáng thứ sáu, mẹ đã hoàn toàn lạc quan khi thấy các nốt đỏ mờ đi, vẫn không thấy sau tai có gì. Chiều thứ sáu, 6 giờ, bố gọi điện báo con đã mọc thêm nốt sau tai, vùng da quanh mắt đỏ ửng, hơi chảy nước mắt. Mẹ hốt hoảng nhờ cô giáo khác dạy thay để về với con. Con vẫn sốt cao, cáu kỉnh, khó tính và bám riết lấy mẹ. Mẹ lên mạng hỏi xin địa chỉ của một số bác sĩ nhận đến khám tại nhà vì sợ khi chưa xác định rõ có phải sởi hay không, không dám đi viện khám, sợ lây chéo. Các chia sẻ, mách nước trên mạng về tới tấp, mẹ cố gắng bình tĩnh lọc và phân tích thông tin. Trong lúc đó mẹ cũng gọi điện cho mẹ của cô Giang bạn mẹ là bác sĩ Nhi ở bệnh viện huyện Thanh Trì, kể về triệu chứng và xin cô lời khuyên. Cô cũng khuyên mẹ như những gì mẹ đọc được trên mạng, có điều Tây y thì không kiêng nước, mà được tắm gội thoải mái. Cô bảo triệu chứng như vậy 80% là sởi rồi. 
18.4
Tới 11h đêm thứ sáu, con sốt cao lên 40 độ. Mẹ cho uống hạ sốt, rồi không thể chờ thêm, gọi taxi đưa con vào khám khoa cấp cứu của một bệnh viên tư nổi tiếng tại Hà Nội. Bình thường bệnh viện lúc 11 giờ đêm vắng hoe, nhưng hôm ý đông bất thường, ai cũng đeo khẩu trang, còn nhân viên y tế thì lắc đầu ngán ngẩm "Lại sởi à?". Y tá nói trước với mẹ: "Chị ơi bệnh viện hết sạch giường rồi, nếu cháu bị sởi thật, chúng em phải cho chuyển viện sang viện Nhiệt đới chị ạ". Chưa bao giờ bệnh viện tư này hết giường, kể từ lúc con sinh ra và thường xuyên vào đây. Mẹ bắt đầu thực sự lo lắng và nhận ra sự bùng phát kinh khủng của dịch sởi, gấp nhiều lần những gì đọc thấy trên internet 3 tuần nay. Bác sĩ đa khoa đưa con vào phòng cách ly khám, sau khi soi trong miệng, nghe phổi, khám lâm sàng thì kết luận 100% con bị sởi vì đã có nốt Koplik trong miệng. Nhưng vẫn bảo phổi bình thường, con không cần nằm lại điều trị đâu. Cả nhà lại đi taxi về. Con thậm chí còn vui vẻ hơn mấy ngày trước dù vẫn sốt 39 độ, lại còn nô nghịch như giặc, vít cổ mẹ xuống bắt thổi vào bụng cù con và cười sằng sặc cả tiếng đồng hồ sau đó, khiến mẹ khá yên tâm. 
Bé Ong được phát hiện bị sởi khi nổi phát ban ở tai
19.4
Đến 2h sáng con mới chịu ngủ. Bố mệt quá, đã thiếp đi, ngáy pho pho bên cạnh. Mẹ thì thao thức, vào mạng tìm thêm thông tin để chăm sóc con những ngày tới. Bỗng chừng 10' sau khi con bắt đầu ngủ, bỗng mẹ nhìn sang thấy toàn thân con run cầm cập, hơi thở gấp và phát ra những tiếng nấc nấc. Mẹ hoảng quá, bế con lên, con kéo tay với lấy cái chăn mỏng tự đắp lên người. Mẹ nghĩ con bị lạnh, vội quấn cho con cái chăn quanh người, thấy 2 phút sau bạn vẫn tiếp tục run, môi tím tái. Mẹ lay bố dậy, bố còn bảo "Đâu, lần nào nó sốt cao chẳng thế, mình không để ý thôi". Nhưng bản năng người mẹ mách bảo mẹ có gì đó rất không ổn. Mẹ quyết định vơ vội ít đồ, gọi taxi và cả nhà vào thẳng viện Nhiệt đới. 
Tới phòng cấp cứu Viện Nhiệt đới là cỡ gần 3 giờ sáng, mở chăn ra thì toàn thân con tím ngắt, vẫn run, tuy có đỡ hơn trước. Bác sĩ trực (dáng vẻ uể oải tiếp đón, có vẻ chẳng có gì phải vội) nghe phổi, nói có khả năng con bị sởi biến chứng sang phổi rồi, vụ toàn thân tím tái là do phổi bị tổn thương. Con được đưa vào chụp X-quang (bấm chuông cỡ chục lần mới thấy chú nhân viên y tế đầu tóc bù xù ra mở cửa, mặt rất nhăn nhó vì bị đánh thức), rồi được nhập viện ngay trong đêm. Rồi lấy máu, lấy ven truyền nước với đủ màn khóc lóc, la hét, giãy giụa khiến bố mẹ và ông ngoại cũng toát mồ hôi. 15' sau kết quả chụp X-quang của con về cùng bệnh án, có dòng chữ chú thích bên cạnh: viêm phổi. Trong lúc chờ đợi, mẹ tìm số điện thoại các bệnh viện tư, nơi đâu cũng báo hết giường vì bệnh nhân sởi quá đông, kể cả khoa khám chữa theo yêu cầu của chính viện Nhiệt đới cũng phải đăng kí tên xếp hàng vì chưa có chỗ. Lúc này có tiền cũng không giải quyết được việc gì. Nhìn vào khoa Nhi nơi con sắp vào nằm, thấy la liệt chiếu ngoài hành lang chật chội, trong phòng mỗi giường 2 - 3 cháu nhỏ, mỗi cháu 1 mẹ nằm bên, bố hoặc bà thì nằm hành lang hoặc ngay bất kì chỗ nào trống trong phòng. 4h sáng, con chính thức được đặt lưng xuống giường, được truyền nước, hạ sốt, còn bố mẹ thì liên tục chườm ấm quanh người để giúp con nhanh mát. Thoáng cái trời đã sáng, rồi trưa, rồi chiều... cuộc chiến của cả nhà mình với bệnh sởi giờ mới chính thức bắt đầu.
19.4 tiếp
Con trai mẹ đang nằm ở một trong những bệnh viện là trung tâm của dịch sởi. Hơn 300 ca, không ít là người lớn. 3 - 4 cháu ghép một giường, cộng thêm 1 - 2 bố mẹ đi cùng. Phòng 7 giường, vị chi 40 - 80 con người chen chúc thở chung và lây chéo bệnh trong 1 căn phòng chừng 60m2.
Nếu không phải vì con biến chứng sang phế quản và chính bác sỹ có chút quen khuyên đừng chuyển viện thì mẹ cũng không muốn đày ải con và gia đình trong hoàn cảnh thế này. Các bệnh viện đắt tiền thì không còn giường nào trống cũng vì sởi. Đêm qua ngoài Ong có 1 bạn mới, sáng nay 3 bạn mới. Và mẹ vừa chứng kiến một bạn chỉ 2 - 3 tháng tuổi ngừng thở, được chuyển sang Bạch Mai. Mẹ phải chạy ra ngoài giấu nước mắt của sự xót xa và sợ hãi. 
Giường của bé Ong đã có 4 bạn nằm chung.
Tấm biển này trưa nay mới được dựng lên ở hành lang khoa Nhi. 
20.4
Ong vào viện lúc 4h sáng thứ 7, tức là thời gian đầu con nằm viện rơi đúng vào 2 ngày cuối tuần. Mẹ quan sát và nhận thấy một trong những nguyên nhân khiến dịch sởi mất kiểm soát là bệnh viện quá tải bệnh nhân, trong khi số y tá, điều dưỡng, bác sĩ không đủ, đặc biệt là vào cuối tuần. 2 ngày cuối tuần không có bác sĩ điều trị, chỉ có bác sĩ trực mà lực lượng cũng mỏng và kiệt sức, đến nỗi cũng không buồn/ không thể thông báo chính thức cho phụ huynh là con họ bị sởi bội nhiễm sang đâu và mức độ nghiêm trọng như nào, mà chỉ cho phác đồ điều trị và thuốc. Bố mẹ nào có chút hiểu biết như nhà mình, lên hỏi cặn kẽ thì được giải thích qua loa, còn đâu thì khá mù mờ.
Rồi bệnh viện có 3 máy khí dung thì bị hỏng 1, tối qua 1 giờ Ong đang ngủ còn bị dựng dậy chạy khí dung vì lúc đó mới tới lượt. Hôm đầu vào viện, có 1 cháu bé 2 - 3 tháng tuổi bị sởi biến chứng sang viêm não, bị ngừng thở, lúc mọi người đang cuống cả lên cấp cứu, ngó vào phòng thuốc còn thấy các điều dưỡng vây quanh 1 bình ô xy bị hỏng van hay sao đó, mãi không mở được. Bác sĩ, y tá ai cũng bơ phờ vì quá tải, 2h chiều còn chưa được ăn cơm trưa... Chứ chưa nói đến khả năng có thể bị thiếu máy thở cùng các thiết bị khác mà mình không được biết. Họ đã hết sức hết mình rồi, nên đôi lúc thấy họ hơi cao giọng với bệnh nhân, mình cũng thấy xót xa thông cảm giùm. Mẹ đã nghĩ thứ hai sẽ lên xin gặp bác sĩ trưởng khoa hỏi thăm xem họ thiếu gì, cần hỗ trợ gì từ cộng đồng...
Hình ảnh chụp từ phòng bệnh của bé Ong khi có đoàn của bộ trưởng Bộ Y Tế đến thăm.
Bạn Ong hôm nay ho nhiều hơn, nhịp thở nhanh hơn và bị trớ mấy lần. Bác sĩ nghe phổi bảo không đáng ngại, tiếp tục điều trị kháng sinh.
Từ hôm qua đến giờ viện Nhiệt đới tiếp nhận cỡ 15 ca sởi mới, còn số các cháu được ra viện hoặc tự xin về ngoại trú không đáng kể, nên tình trạng như viện Nhi có lẽ không xa. Phòng này thì cỡ 30 ca sởi, phòng bên cạnh thì toàn bệnh nhân cúm và có xu hướng tăng nên các bố mẹ lại có thêm mối bận tâm về bệnh mới: cúm. Dù riêng phòng nhưng chung hành lang, chung toilet (cả tầng với khoảng 200 con người chỉ có 2 toilet luôn trong tình trạng tắc, hỏng) nên sởi lây cúm, cúm lây sởi chắc khá dễ dàng. Kể cả người đã tiêm cũng có 5% khả năng mắc. Ngay trong phòng Ong cũng có trường hợp đã tiêm đủ mũi nhưng vẫn mắc, vẫn bị biến chứng sang phổi.
Phòng sởi vừa có một bạn mới vào. Vậy giường Ong là 4 bạn rồi. Bạn này lên sởi, sốt, lặn ban ở nhà. Cả nhà chăm, kiêng rất kĩ, tưởng đã đẩy lùi sởi rồi. Hôm nay lại lên cơn co giật, run lẩy bẩy và ho nhiều nên cả nhà cấp cứu. Virus biến chứng nhiều lắm các bố mẹ ạ. Không phải lặn ban đã là an toàn đâu ạ.
Đủ biết dịch không xa xôi như ta tưởng! Gắng lên các bố mẹ.

Biến chứng đáng sợ của bệnh sởi

Sự thật về những biến chứng gây tử vong cho trẻ khi mắc sởi, cha mẹ cần phải biết.
2 tuần gần đây, đâu đâu cũng nghe về bệnh sởi. Trên báo mạng, báo giấy rồi các diễn đàn những câu chuyện tử vong đau lòng của trẻ nhi bị sởi liên tục được truyền tai nhau. Tại sao năm nay, số lượng trẻ chết vì mắc sởi lại nhiều như thế?
Biến chứng đáng sợ của sởi
Viêm phổi: là nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi. Hiện tại, đã có nhiều trẻ viêm phổi nặng phải thở máy, một số xuất hiện biểu hiện nặng là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) và tử vong.
Viêm tai giữa: Khoảng 1/10 bệnh nhi sởi sẽ bị nhiễm trùng tai (viêm tai giữa) và có thể gây điếc vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời.
Viêm loét giác mạc: Thường gặp ở trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A và có thể gây mù vĩnh viễn. Đây được coi là nguyên nhân hàng đầu gây mù ở trẻ em Châu Phi.
Tiêu chảy: Đây là bệnh thường gặp ở những trẻ bị sởi. Tiêu chảy sau sởi nặng nề hơn và có nhiều biến chứng hơn tiêu chảy cấp do virut thông thường.
Một em bé tử vong do mắc sởi và có biến chứng nặng (Ảnh minh họa).
Viêm não: Là biến chứng nguy hiểm ít gặp nhưng gây tử vong và di chứng cao. Cứ khoảng 1000 trẻ bị sởi thì có khoảng 1 – 2 trẻ bị biến chứng viêm não và tử vong. Viêm não có thể gây co giật, hôn mê, tử vong hoặc ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần và thể chất của trẻ sống sót.
Viêm não xơ hóa bán cấp: biến chứng hiếm gặp nhưng cực kỳ nghiêm trọng. Bệnh này xuất hiện sau khi trẻ bị sởi từ 7 – 10 năm, điều này cho thấy virus sởi có thể sống tiềm tàng trong cơ thể bệnh nhân nhiều năm. Biểu hiện của bệnh là rối loạn vận động, co giật, sa sút trí tuệ và thường tử cong sau 1 – 2 năm phát hiện bệnh.
Lưu ý: Để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi, các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi và phát hiện sớm các dấu hiệu bị bệnh ở trẻ, kịp thời đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Cách phân biệt sởi với một số bệnh
Bệnh sởi thường hay bị nhầm lẫn với ban nhiệt, sốt tinh hồng nhiệt... vì vậy, để chẩn bệnh đúng cho trẻ, phụ huynh cần biết:
- Ban do siêu vi khác: ban không xuất hiện toàn thân, không kèm ho, sổ mũi hay đỏ mắt. Ban xuất hiện nhanh và biến mất nhanh.
- Ban nhiệt (nhân gian còn gọi rôm sảy): xuất hiện ở các vùng nếp gấp, ban có kèm mụn mủ.
- Sốt tinh hồng nhiệt (Scarlatine): ban thường đỏ bầm toàn thân; khi ban bay gây tróc vẩy, tróc da nhất là ở đầu ngón tay.
- Ban dị ứng: nổi đột ngột khi tiếp xúc với dị nguyên (thuốc, tôm, cá….) thường nổi mẩn ngứa toàn thân, không có biểu hiện viêm long.
- Ban trong bệnh Kawasaki: bệnh nhi sẽ sốt cao, có hạch cổ, họng đỏ, phù lòng bàn tay – bàn chân, bong da lòng bàn tay – bàn chân trong giai đoạn cuối, siêu âm tim có thể thấy dấu dãn mạch vành, tiểu cầu máu tăng.
Kiêng kỵ khi trẻ bị sởi
Theo Lương y Đặng Đình Nhân chia sẻ: bệnh sởi nhất thiết phải kiêng kỵ, khi sởi mới mọc chỉ cần giải tán, phát tiết hết khí độc ra ngoài thì sẽ không có biến chứng gì nguy hiểm.
- Kiêng ăn những chất tanh, sống, lạnh, cay, gió lạnh. Bởi nếu không kiêng những thứ này sẽ làm cho da bít lấp lại, độc khí sẽ chạy vào trong.
- Không dùng thuốc hạ sốt bừa bãi, dùng phải đúng thời điểm. Chỉ cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol khi nhiệt độ trẻ trên 38,5oC. Với bệnh sởi thì lúc sốt đó mới có điều kiện phát độc, phát sởi ra ngoài.
- Cho trẻ ăn chế độ bồi dưỡng, nên chia nhỏ khẩu phần ăn để dễ tiêu hóa và đủ lượng đủ chất. Nên cho trẻ tiếp tục bú mẹ nếu trẻ còn bú.
- Nên cho trẻ ở nơi thoáng mát, khô ráo. Tắm rửa, vệ sinh thân thể (răng, miệng, hậu môn, sinh dục) hàng ngày để phòng ngừa bội nhiễm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét