Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Nguyên nhân gây viêm dạ dày cấp có nhiều

Viêm dạ dày cấp là gì?

Viêm dạ dày là thuật ngữ được dùng một cách rộng rãi nhưng ý nghĩa của nó nhiều lúc được sử dụng một cách chưa thật chính xác.


Với nhà nội soi, trước tiên nó gợi ra khi có một biến đổi về màu sắc niêm mạc, với nhà điện quang đó là khi có sự biến đổi nếp niêm mạc dạ dày. Sinh thiết dạ dày cho phép nói lên thuật ngữ chính xác của nó là viêm dạ dày, đặc biệt là viêm niêm mạc dạ dày.

Hiện nay, căn cứ vào giải phẫu bệnh chia làm hai loại viêm dạ dày cấp và viêm dạ dày mạn. Trong đó viêm dạ dày cấp được hiểu là phản ứng viêm chỉ hạn chế ở niêm mạc, có đặc tính khởi phát và diễn biến nhanh chóng do tác dụng của các tác nhân độc hại hoặc nhiễm khuẩn ở niêm mạc dạ dày.

Nguyên nhân gây nên viêm dạ dày cấp?

Nguyên nhân gây viêm dạ dày cấp có nhiều, song có thể xếp vào hai nhóm chính: 

Yếu tố ngoại sinh thường gặp: Vi khuẩn, virus và độc tố của chúng; Thức ăn nóng quá, lạnh quá, khó tiêu, nhai không kỹ hoặc bị nhiễm khuẩn nhiễm độc do tụ cầu, coli, rượu, chè, cà phê, mù tạt...; Thuốc: aspirin, APC, natri salicylat, sulfamid, corntancyl, phenylbutazon, reserpin, digitalis, KCl...; Các chất ăn mòn: muối, kim loại nặng (đồng, kẽm), thủy ngân, kiềm, acid sulfuric, acid chlohydric, nitrat bạc; Các kích thích nhiệt, dị vật...

Các yếu tố nội sinh: Gặp trong các bệnh sau: Các bệnh nhiễm khuẩn cấp (cúm, sởi, bạch hầu, thương hàn, viêm phổi, viêm ruột thừa..., tăng áp lực tĩnh mạch cửa, thoát vị hoành); U rê máu cao, tăng thyroxin, tăng đường máu; Bỏng, nhiễm phóng xạ, các stress nặng, chấn thương sọ não, u não, sau phẫu thuật thần kinh, tim, shock, bệnh tim phổi cấp, xơ gan; Dị ứng thức ăn: tôm, sò, ốc, hến...

Viêm dạ dày cấp biểu hiện như thế nào?

Tổn thương trong viêm dạ dày cấp có thể khu trú hoặc lan tỏa, tùy theo mức độ nặng nhẹ và nguyên nhân thường chia làm 4 dạng chính, với các biểu hiện lâm sàng khác nhau: 

Viêm long dạ dày: Thường xảy ra sau khi ăn phải chất kích ứng, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus. Tổn thương biểu hiện bằng tình trạng niêm mạc phù nề sung huyết và có nhiều đám viêm xâm nhiễm bởi bạch cầu đa nhân ở niêm mạc. Biểu hiện lâm sàng là cảm giác đau căng tức hoặc nóng ran vùng thượng vị, kèm theo nôn, choáng váng.

Viêm dạ dày thể xuất huyết: Thường biểu hiện dưới dạng các vết ăn mòn đơn độc hoặc kèm theo xuất huyết. Niêm mạc có những chấm xuất huyết đôi khi có những mảng, đám xuất huyết dưới niêm mạc và các vết xước, chảy máu, chính là do sự vỡ mạch máu lớp tiết chính. Xuất hiện do các yếu tố có nguồn gốc ngoại sinh như rượu, thuốc kháng viêm non – streroid... Biểu hiện lâm sàng chủ yếu thường gặp là xuất huyết. Khi chảy máu nhiều và nặng có thể gây choáng và shock. Thường được chẩn đoán bằng nội soi cấp cứu.

Viêm dạ dày thể ăn mòn: Thường do các chất kích ứng tác động liên tiếp lên bề mặt niêm mạc dạ dày, gây ra sự biến đổi trầm trọng cùng với sự phù nề đơn điệu của niêm mạc dạ dày và sau đó là tình trạng hoại tử tại chỗ của niêm mạc dạ dày. Sau một thời gian, các fibrin hàn gắn lại tạo thành các mô sẹo.

Mức độ tổn thương phụ thuộc bản chất và nồng độ chất gây tổn thương; ngoài ra còn phụ thuộc sự hòa loãng các chất ăn mòn do các chất bên trong dạ dày, và sự trung hòa chất kiềm do acid dạ dày. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đau thượng vị ngay tức thì sau khi dạ dày tiếp xúc với chất kích ứng; sau đó là nôn, đôi khi nôn ra máu; trong các trường hợp nặng có thể có shock.

Viêm dạ dày thể nhiễm khuẩn: Với sự có mặt của các vi sinh vật gây nhiễm khuẩn. Trong trường hợp dạ dày bị viêm tấy, dịch rỉ viêm làm mưng mủ các vách niêm mạc cùng với thành dạ dày, có thể gây hậu quả thủng và gây viêm phúc mạc. Người ta gọi đó là dạ dày phù thũng. Thể bệnh này giảm rất nhiều từ khi có kháng sinh, nhưng hiện nay đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Hậu quả do viêm dạ dày cấp để lại là gì?

Quá trình viêm diễn ra từ vài giờ đến vài ngày, liền sẹo nhanh, phục hồi hoàn toàn. Song có một số tác giả cho rằng có thể từ viêm dạ dày cấp, nếu bị nhiều đợt có thể chuyển thành viêm mạn, vì niêm mạc bị phá hủy liên tiếp và có vai trò của cơ chế tự miễn. Viêm dạ dày thể ăn mòn hoặc xuất huyết có thể dẫn đến shock, trụy tim mạch...

Điều trị viêm dạ dày cấp như thế nào?

Trước hết là chế độ ăn, tùy theo tình trạng mà có thể cần nhịn ăn thay bằng truyền tĩnh mạch trong 1 – 2 ngày đầu, sau đó uống sữa, ăn súp, thức ăn mềm, rồi ăn cơm bình thường.

Nguyên tắc chung trong điều trị là bù nước điện giải và chống shock; nếu có nhiễm khuẩn thì dùng kháng sinh, nếu có xuất huyết tiêu hóa thì điều trị theo phác đồ xuất huyết tiêu hóa; nếu do ngộ độc hoặc uống nhầm hóa chất thì phải rửa dạ dày...

Tùy theo nguyên nhân và tình trạng bệnh mà cân nhắc sử dụng các thuốc antacid, các thuốc giảm tiết hoặc các thuốc băng se và bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Viêm dạ dày ruột cấp tính do virus ở trẻ em

Trong các loại virus hay gây bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính thì nguyên nhân do Rotavirus thường gặp ở trẻ em. Bệnh xảy ra quanh năm và có thể gây thành dịch nếu các biện pháp phòng bệnh lây lan không được thực hiện tốt.

Biểu hiện bệnh được đặc trưng bởi tình trạng sốt và nôn kèm theo tiêu chảy. Nhiều trường hợp mất nước nặng có thể dẫn đến tử vong.

Rotavirus là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể gặp ở nước đang phát triển hay phát triển. Trẻ từ 2- 3 tuổi là đối tượng dễ bị mắc bệnh nhất, virus này thường gây tiêu chảy nặng hơn ở trẻ em so với những tác nhân đường ruột khác. Bệnh thường kéo dài từ 4 - 6 ngày và tỷ lệ tử vong cao. Người ta ước tính tại các nước đang phát triển, hàng năm có đến gần 900.000 trường hợp tử vong do Rotavirus gây ra.

Virus Rota thuộc họ Reoviridae, gây bệnh cho trẻ chủ yếu là nhóm A nhưng ở người lớn thì hay gặp nhóm B và nhóm C thì ít gặp. Bệnh lây truyền chủ yếu theo đường phân - miệng qua tiếp xúc hoặc hô hấp. Mặc dù Rotavirus không nhân lên ở đường hô hấp nhưng có thể tìm thấy chúng ở chất tiết đường hô hấp.

Trong những nguồn nước không đảm bảo vệ sinh như nước sông, nước ao hồ có rất nhiều virus này, do vậy ở vùng không có nước sạch nếu phải dùng nguồn nước này cho sinh hoạt thì sẽ tạo thuận lợi cho virus xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Đối với những người bị bệnh, trong suốt quá trình cấp tính của bệnh và sau đó virus tiếp tục được đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa.

Viêm dạ dày ruột cấp tính hay gặp ở người lớn

Đây là bệnh do virus Norwalk gây ra, nó còn được gọi là bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính truyền nhiễm không phải do virus, tiêu chảy do virus, viêm dạ dày ruột do virus dịch tễ...

Bệnh diễn biến từ nhẹ đến nặng và thường gây ra các vụ dịch. Khi virus xâm nhập cơ thể người bệnh thấy buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi, sốt nhẹ, các triệu chứng này thường phối hợp với nhau.

Virus Norwalk là một loại virus nhỏ, có cấu trúc ARN được xếp vào nhóm Calicivirus, đây là tác nhân gây ra 1/3 số vụ dịch viêm dạ dày ruột không phải do vi khuẩn. Bệnh lưu hành ở khắp mọi nơi trên thế giới, các vụ dịch xảy ra thường liên quan đến việc sử dụng các loại ốc, sò chưa được nấu chín kỹ.

Khi mắc bệnh, thời gian miễn dịch rất ngắn, người bệnh có thể bị mắc lại bệnh trong vòng từ 1- 2 năm. Những người ốm yếu, suy giảm miễn dịch hay mắc các bệnh mạn tính khác rất dễ mắc nếu trong nhà có người bị tiêu chảy vì virus này hay tiếp xúc với yếu tố gây bệnh như nước sinh hoạt, thức ăn không sạch...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét