Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

X Factor đã thảm bại trước The Voice tại Mỹ

Được coi là đối thủ triển vọng của Idol, nhưng X Factor đã thảm bại trước The Voice tại Mỹ.

X Factor là cuộc thi âm nhạc truyền hình được sản xuất bởi Simon Cowell. Xuất phát từ nước Anh, nó được kỳ vọng sẽ là ứng viên thay thế tuyệt vời của cuộc thi Pop Idol (tiền thân của American Idol, Vietnam Idol, v.v...). Các thí sinh tham gia được lựa chọn qua nhiều cuộc thử giọng trên cả nước. Bản thân cụm từ “X Factor” có ý nghĩa chỉ một yếu tố đặc biệt tạo thành ngôi sao. Giải thưởng thường là hợp đồng thu âm, biểu diễn tại các chương trình âm nhạc lớn, không chỉ cho người chiến thắng mà còn cả những ứng cử viên tài năng.

Simon Cowell - "cha đẻ" của X Factor.

Khi mới ra mắt, những điểm giống nhau giữa X Factor và Idol đã khiến nhà sản xuất của Idol là Simon Fuller đâm đơn kiện Cowell năm 2004. Một cuộc thỏa thuận không kiện cáo đã được đạt tới năm 2005, trong đó Fuller được hưởng 10% doanh thu của X Factor, và chương trình này không được sản xuất tại Mỹ cho tới năm 2010. 


Logo nổi tiếng của cuộc thi âm nhạc Idol.

Nhà sáng lập của Idol Simon Fuller.

Không như Idol, khi các giám khảo chỉ bình luận về màn trình diễn của các thí sinh, ở X Factor mỗi giám khảo sẽ huấn luyện cho những người chiến thắng ở các hạng mục khác nhau, hỗ trợ họ trong việc chọn bài hát và định hình phong cách, đồng thời đưa ra nhận xét về các thí sinh ở những hạng mục khác. 

Các giám khảo X Factor UK mùa đầu tiên (từ trái qua):
Simon Cowell, Sharon Osbourne, Louis Walsh.

Tính tới nay, X Factor đã có 10 năm hoạt động, được sản xuất tại hơn 45 quốc gia, trong đó mới nhất có Việt Nam. Tại Israel, X Factor chiếm 45% tỷ trọng người xem, đánh bại một cuộc thi âm nhạc khác được tổ chức ở nước này là Rising Star (gần đây đã được đài ABC của Mỹ bật đèn xanh).

Logo X Factor Israel.

X Factor phiên bản Mỹ

Tại Mỹ, X Factor được sản xuất bởi Simon Cowell, hợp tác với Sony Music Entertainment, phát sóng trên Fox. Dựa trên format của X Factor UK, mục đích của cuộc thi là tìm kiếm những tài năng âm nhạc mới (ca sĩ hoặc nhóm nhạc với độ tuổi từ 12). Người chiến thắng sẽ được quyết định bởi lượt bình chọn của khán giả qua điện thoại, Internet và tin nhắn. Phần thưởng lớn nhất là hợp đồng thu âm với hãng đĩa của Cowell Syco Music, trị giá 5 triệu USD ở mùa 1 và 2, 1 triệu USD ở mùa 3. Những quán quân của các mùa được tổ chức lần lượt là Melanie Amaro, Tate Stevens và Alex & Sierra.

Các quán quân X Factor USA theo từng mùa: Melanie Amaro

Tate Stevens

Alex & Sierra

Cuộc thi bắt đầu lên sóng từ 21 tháng 9 năm 2011, sau đó được trình chiếu hàng năm từ tháng 9 tới tháng 12. Nó quy tụ dàn giám khảo "máu mặt" cùng nhận xét màn trình diễn của các thí sinh. Các thí sinh được phân theo nhiều hạng mục khác nhau dựa vào số lượng, tuổi tác hay giới tính. Ví dụ trong mùa thứ 3, các hạng mục được xác định là Nhóm, Nữ, Nam và Trên 25 tuổi. Mỗi giám khảo được giao cho một hạng mục để huấn luyện, giúp các thí sinh lựa chọn ca khúc, trang phục, định hình phong cách biểu diễn trên sân khấu, nhận xét về màn trình diễn của những thí sinh thuộc hạng mục khác. Họ tranh đấu với nhau để đưa "gà" của mình lên ngôi vị chiến thắng.

Từ trái qua: Khách mời Nicole Scherzinger và Steve Jones, BGK Cowell, Paula Abdul, L.A. Reid.

Dàn giám khảo của X Factor US ban đầu gồm Cowell, Paula Abdul, Cheryl Cole, L.A. Reid. Nicole Scherzinger và Steve Jones là khách mời. Tuy nhiên chỉ sau 2 buổi thử giọng, Cole đã bị thay thế bởi Scherzinger. Demi Lovato và Britney Spears thay chân Abdul và Scherzinger trong mùa thứ 2, trong khi Jones được thay thế bởi Khloé Kardashian và Mario Lopez. Kelly Rowland và Paulina Rubio tiếp tục thế chỗ Spears và Reid trong mùa thứ 3, Lopez trở thành khách mời duy nhất.

Giám khảo X Factor USA mùa 2: L.A. Reid, Britney Spears, Demi Lovato, Simon Cowell.

Giám khảo X Factor USA mùa 3: Demi Lovato, Simon Cowell, Kelly Rowland và Paulina Rubio.

Ngày 7 tháng 2 năm 2014, Fox tuyên bố ngừng sản xuất mùa thứ 4 của X Factor USA, theo sau quyết định quay trở về với phiên bản UK của chương trình, được Cowell đưa ra chỉ 1 ngày trước đó.

Nguyên nhân thất bại của X Factor tại Mỹ

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thất bại của X Factor tại Mỹ là bởi các tuyên bố đa phần được chứng minh là "chém gió" của nhà sản xuất. Trong TCBC đầu tiên gửi tới báo giới Mỹ, Fox đã giới thiệu về X Factor US như "chương trình thu hút nhiều người xem truyền hình nhất chỉ sau thể thao" và "kênh YouTube của X Factor US có quy mô lớn nhất thế giới với hơn 1 tỷ lượt xem".

Thực tế chứng minh điều ngược lại khi kênh YouTube của X Factor US còn thua xa RihannaVEVO, JustinBieberVEVO cùng hàng tá kênh khác nếu tính về lượt xem. Không chỉ thế, ở lĩnh vực "thu hút người xem", nó cũng bị đánh bại bởi hàng loạt chương trình truyền hình hấp dẫn khác như series phim The Walking Dead, American Horror Story, Scandal và đối thủ The Voice.

RihannaVEVO...

... và JustinBieberVEVO đều "vượt mặt" kênh YouTube của X Factor USA.

Khi Cowell quyết định "ngáng chân" American Idol của Fox năm 2011, X Factor US - với những thành công vang dội ở nước ngoài - đã được kỳ vọng sẽ là gia vị mới cho khán giả truyền hình Mỹ, vốn đã sớm chán những "món ăn cũ". Việc mua bản quyền sản xuất và phát sóng X Factor USA cũng được coi là một bước đi chiến lược của Fox khi Idol đang dần nên nhàm chán.



Fox từng hy vọng X Factor USA sẽ thay thế được American Idol.

Tuy nhiên, X Factor USA đã thất bại trong việc chứng tỏ mình là nhân tố mới trong làng truyền hình Mỹ. Format chương trình cũng như những gương mặt giám khảo quen thuộc khiến nó có cảm giác như một bản sao của Idol. Xui xẻo hơn, bởi những rắc rối về bản quyền, dù ra mắt tại Anh từ năm 2004, tới năm 2010 X Factor mới được du nhập vào Mỹ. Đó cũng là năm đài NBC ra mắt The Voice, với yếu tố ghế xoay hấp dẫn cùng nhiều cải tiến có thể nói là sáng tạo nhất trong thị trường các cuộc thi âm nhạc nói chung.

Sự xuất hiện của The Voice đã giáng đòn chí mạng lên X Factor USA.

Khi mùa thứ 3 ra mắt, X Factor USA tiếp tục trượt dài trên dốc rating. Trình chiếu vào thứ Tư và Năm hàng tuần, chương trình thu hút khoảng 6 triệu người xem, giảm một nửa so với con số trung bình 12 triệu lượt xem của mùa đầu tiên. Pepsi và Chevrolet đã nhanh chân rút khỏi danh sách nhà tài trợ, thế chỗ là Honda và Procter & Gamble.

X Factor USA tiếp tục gây thất vọng bởi sự thiếu chuyên nghiệp khi trong mùa 3, vì một sự cố kỹ thuật mà các thí sinh phải biểu diễn lại ca khúc của mình để phát sóng, còn khán giả truyền hình Mỹ phải bình chọn thêm lần nữa. Đây có thể là "giọt nước tràn ly" khiến khán giả đồng loạt quay lưng với chương trình này. 

X Factor USA là một thất bại, chính Fox và nhà sáng lập Cowell đã phải công nhận điều ấy. Nhưng nguyên nhân chính dẫn tới điều đó là gì? Nó đã không có được "yếu tố bí ẩn" để nổi bật lên so với các cuộc thi âm nhạc khác như Idol, The Voice, và sắp tới là Rising Star của ABC.


Poster Rising Star của đài ABC.

Fox và các nhà sản xuất của Idol cho hay vào mùa tới họ sẽ tập trung tìm kiếm những giọng ca mang lại cảm hứng, chứ không phải giám khảo. Bởi mùa 12 với Nickj Minaj và Mariah Carey ngồi trên "ghế nóng" đã thu hút báo giới chủ yếu qua những màn "khẩu chiến" của hai cô nàng. Thật không may, X Factor US cũng không có được điều xa xỉ đó. Bởi quá giống Idol, nó buộc phải tìm những cái tên nổi tiếng đặt vào bàn giám khảo. Demi Lovato và Britney Spears giúp đem lại chút tiếng vang, nhưng tiếng vang ấy không tồn tại lâu và không gây ấn tượng đặc biệt với khán giả. Bởi thực tế là lượt view vẫn giảm.

Nickj Minaj và Mariah Carey đã phần nào đem lại "tiếng vang" cho American Idol mùa 12...

... điều mà Demi Lovato và Britney Spears thậm chí chưa làm được cho X Factor USA.

Khi thông tin lọt ra rằng Kelly Rowland và Paulina Rubio sẽ là những cái tên mới nhất ngồi ghế giám khảo X Factor US, nó như một đòn giáng cuối cùng cho thấy trước "cái chết" của chương trình. Bởi mặc dù có tài năng và đạt được không ít thành công trong showbiz, họ đơn giản là không nổi tiếng trong nền âm nhạc đương đại, yếu tố cần thiết để thu hút những khán giả mới cho X Factor. Khi đem so sánh dàn BGK này với giám khảo The Voice như Christina Aguilera, Blake Shelton, Adam Levine, v..v..., có thể thấy rõ sự khác biệt: Ở Mỹ, họ vẫn đang ra mắt các sản phẩm đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc.

The Voice gây ấn tượng với dàn giám khảo toàn sao hạng A: Adam Levine, Christina Aguilera, Blake Shelton, v.v...

Thành công của X Factor ở nhiều quốc gia khác có thể đơn giản bởi khán giả ở đó không có quá nhiều chương trình để xem. Nhưng tại Mỹ, khi người xem bị "bội thực" bởi truyền thông, những sự lựa chọn là bất tận, khiến ngay cả các chương trình nổi tiếng quốc tế cũng dễ dàng lọt thỏm giữa đám đông và bị lãng quên. 

Quyết định dừng sản xuất X Factor là nước đi khôn ngoan và cần thiết đối với Fox, để đầu tư công sức và tiền bạc cho những sản phẩm ăn khách khác, trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt của làng giải trí Mỹ. 

Còn X Factor, mặc dù có quảng cáo rầm rộ đến thế nào về sự thành công và sức ảnh hưởng của nó trên thế giới, thì format của cuộc thi cũng đã lạc điệu với khán giả Mỹ. Nó không thể tương tác với họ, khi họ thích xem những chương trình hiện đại và hoành tráng hơn như The Voice. 

>>> Đón xem phần tiếp theo: "Tương lai của X Factor tại Việt Nam".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét